Thời “huy hoàng” của bia, rượu đã qua?
.

Pages

Thời “huy hoàng” của bia, rượu đã qua?


Ở một quốc gia với mức tiêu thụ rượu bia vào hàng “top” thế giới như Việt Nam, đương nhiên các quy định nói trên sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người, có độ phủ lớn trong xã hội.


Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) đã chỉ ra, trong giai đoạn 1990-2017, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu nguyên chất rất lớn, gần 90% kể từ 2010. Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít, rượu cao hơn cả Ấn Độ (5,9 lít) và Nhật Bản (7,9 lít).
Một báo cáo công bố năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore (Tạp chí Forbes, số tháng 5/2019).
Ai chẳng biết bia rượu nhiều là không tốt cho sức khoẻ. Bao nhiêu bệnh tật từ bia rượu mà ra. Nhưng văn hoá người Việt mình, cứ gặp nhau là phải dăm ba chén, “rượu vào lời ra”, dễ hàn huyên tâm sự. Công việc vì thế cũng dễ mở lời và hanh thông. Chẳng thế mà ít thấy đâu như ở ta, họp đồng hương, đồng môn cũng nhậu, mà ký hợp đồng nhiều khi cũng trên bàn nhậu.
Dù không phải ai cũng thích nhậu, nhưng đã gọi là “văn hoá” thì phải “nhập gia tuỳ tục”, rượu bia được coi là một thước đo cho sự nhiệt tình và chân thành. Không uống, không được.
Thế nên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã nhận được đông đảo sự ủng hộ của người dân. Theo luật, các hành vi cấm được quy định như: cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, trong đó cả phương tiện giao thông hai bánh như xe máy điện, xe đạp, xe xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo,…

Nói cách khác, nếu thực hiện những hành vi như đã nêu trên thì cũng có thể coi là đã làm trái pháp luật, vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nặng về hành chính.
Trước đây, trong tuyên truyền về tác hại của rượu bia, chúng ta mới chỉ là “khuyến nghị”, “khuyến cáo”, mới chỉ dừng ở những lời khuyên là “đừng” hay “không nên”. Bây giờ có luật rồi thì những nội dung đó không phải là “khuyên” nữa mà là “cấm”. Do đó, việc còn lại để luật đi vào cuộc sống là ở khâu giám sát, khâu thi hành luật.
Ấy thế mà trên Dân trí và nhiều tờ báo trong 3 ngày đầu năm vẫn liên tục thông tin về tình trạng người tham gia giao thông trong tình trạng uống rượu, say xỉn, lại có người còn mạo danh cán bộ để hòng mong thoát bị phạt.
Và cũng có một số ý kiến bày tỏ sự phản đối Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia với việc chỉ ra những bất cập, như ăn phải một số loại trái cây cũng có thể có nồng độ cồn trong hơi thở và bị thổi phạt. Song, việc này đã bị một số chiến sĩ Cảnh sát giao thông Hà Nội trực tiếp tham gia xử phạt phủ nhận.
Người viết hi vọng, những bất cập này sẽ được khắc phục dần ở cấp Nghị định, Thông tư, những văn bản dưới luật. Tuy nhiên, chỉ khi nhìn lại những vụ tai nạn thảm khốc, chết người do rượu bia xảy ra trong thời gian qua, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ lại trước khi có ý kiến khác.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ tai nạn ngày 11/4, tài xế đã đâm thẳng chiếc xe Lexus vào đám tang khiến 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hay vụ tai nạn đêm 22/4, lái xe Hyundai gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Hà Nội đã lấy đi tính mạng của một nữ công nhân môi trường. Đêm 1/5, tại hầm Kim Liên, Hà Nội, một xe ô tô va chạm với một xe máy cũng đã khiến 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Ngày 30/9, ba nạn nhân được phát hiện đã tử vong trên chiếc ô tô Mercedes dưới một con kênh tại tỉnh Tiền Giang. Tài xế trong các vụ tai nạn trên đều có nồng độ cồn.
Đành rằng, khi tham gia giao thông, không ai muốn mình bị xử phạt tới hàng triệu hay hàng chục triệu đồng vì vài chén rượu, nhưng “chỉ vài chén rượu” ấy có thể sẽ để lại hệ luỵ khôn lường. Thế nên đầu năm mới, nhắn nhau rằng “đã rượu bia thì đừng lái xe” và đừng để luật chỉ là “trên giấy”!