80% người trẻ: Cái gì cũng biết, mỗi tội chẳng làm được cái gì
.

Pages

80% người trẻ: Cái gì cũng biết, mỗi tội chẳng làm được cái gì


Người Việt mình được cái tò mò, ham học hỏi, và đặc biệt hứng thú với những thứ mới. Thế mới có chuyện người ta xếp hàng ùn ùn ở một cửa hàng trà sữa, quán kem, một cửa hàng thời trang... ngày khai trương
Hào hứng với những thứ mới, nó là điểm cộng chứ không phải điểm trừ. Chỉ có những người đang ước mình hết nhạt nhẽo mới bàng quan với những thứ mới mẻ, mà đáng ra mình hoàn toàn có thể trải nghiệm.
Không có gì sai khi hào hứng với những thứ mới cả!
Nhưng…
Sẽ là vấn đề rất lớn nếu bạn chỉ dừng lại ở việc hào hứng. Sẽ là vấn đề rất lớn nếu bạn chỉ tiếp nhận nội dung ở dạng bề mặt. Sẽ là vấn đề rất lớn nếu cái gì bạn cũng biết, mỗi tội không làm được gì cả.


Tại sao tôi thích chia sẻ những kiến thức cơ bản?
Thú thực, tôi từng chia sẻ bằng miệng bí quyết tập Gym hiệu quả cho một số người trước khi viết nó thành bài. Nhưng tôi không nhận được nhiều phản hồi tích cực. Có người nói mấy cái kiến thức đấy ai chả biết. Có người nói mấy kiến thức đấy thì có gì hay đâu. Thậm chí có người nói mấy cái kiến thức đấy ngay cả những người không tập Gym cũng biết.
Tôi nghĩ bụng, "Vậy tại sao body của bạn không khá hơn mức mà ‘ai cũng biết’?"
Nhiều người nghĩ rằng phải có những kiến thức "thần thánh", phải có những "bí mật", phải có những thứ giống như "tuyệt chiêu" thì họ mới thành công được. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, thứ bạn cần chỉ là kiến thức cơ bản và bắt tay vào thực hiện. Vậy là đủ!
Làm đúng trong một thời gian dài
Để có được kết quả, không phải là biết được một số "tuyệt chiêu". Để có được kết quả, bạn chỉ cần nắm được thông tin cơ bản, và làm đúng trong một thời gian dài.
Vậy đấy bạn của tôi ạ! Đấy là "bí mật", "tuyệt chiêu" mà tôi đúc rút trong nhiều năm trời. Đúng vậy, khi làm gì đó, hãy cố gắng làm đúng trong một thời gian dài.
Ví dụ khi tập Gym, hãy cố gắng duy trì 1 chương trình trong một thời gian dài 3 tháng, 6 tháng. Tôi thấy nhiều người theo chương trình này khoảng 2 tuần, sau đó lên mạng thấy chương trình kia hay hơn thì lại thay đổi. Nhiều người thấy trên Youtube người ta tập như vậy thì cũng tập theo. Nhiều người tập khoảng 1, 2 tuần thấy kết quả chưa đến thì cũng thất vọng mà bỏ. Trên mạng thì nhiều người body đẹp chứ phòng tập thì toàn người body xấu thôi. Và nếu không kiên định trong thời gian dài thì bạn cũng chỉ là ví dụ điển hình.
Hay đơn cử như muốn nói chuyện với con gái, hãy cố gắng gặp gỡ nhiều phụ nữ, hoặc tạo ra nhiều tình huống để giao tiếp với họ. Nhưng thay vì làm như vậy thì bạn lại cố gắng đọc. Bạn đọc các chủ đề phụ nữ thích được nói. Bạn đọc những câu hỏi phụ nữ thèm trả lời. Rồi bạn đọc để không lo hết chuyện để nói với con gái.
Sau cùng, cái gì bạn cũng biết nhưng lại chả làm được gì cả.
Vậy những kiến thức chuyên sâu, chi tiết là vô ích?
Không, chưa bao giờ những kiến thức nâng cao là vô ích cả. Vấn đề chỉ là bạn đang áp dụng sai cách.
Mỗi người đều có một cấp độ khác nhau khi tiếp nhận kiến thức. Kiến thức cơ bản dành cho người mới. Trong khi những kiến thức nâng cao thì dành cho người cấp độ khá hơn.
Vấn đề là nhiều người chỉ ngồi đó đọc và cái gì cũng biết. Họ nghĩ mình là đại bàng, đang bay lượn giữa trời cao, với bộ móng sắc lẹm cùng trí thông minh tuyệt đỉnh. Nhưng thực chất họ chỉ là gà, đang dạo bộ và luôn miệng "cục ta cục tác" mà thôi.
Đừng trở thành người cái gì cũng biết, nhưng thực ra không biết gì cả. Đừng trở thành người cái gì cũng biết, nhưng chả làm được gì. Hoặc chả làm được gì ra hồn.
Đại bàng được gọi là đại bàng bởi nó dám đối mặt với thực tế. Bởi nó khác với những loài chim khác, chỉ mình nó dám bay về phía mặt trời và dám nhìn thẳng vào ánh nắng mặt trời. Bạn phải thừa nhận và vượt qua cái bóng của một con gà trước khi chuyển mình thành những loại động vật cấp cao hơn.


Bỏ qua suy nghĩ cái gì cũng biết ngay từ hôm nay
Ngay hôm nay, tôi muốn bạn bỏ qua mindset cái gì cũng biết.
Xem 1 bài viết, bạn nghĩ, "Mình biết rồi, chẳng cần đọc."
Xem 1 video chia sẻ kiến thức, bạn tắt ngay khi nhìn thấy tiêu đề, "Tại sao phải mất thời gian xem những thứ mình biết rồi?"
Thậm chí nhìn tiêu đề 1 cuốn sách bạn cũng nghĩ, "Mình biết rồi, từng đọc một quyển với chủ đề tương tự."
Really?
Cả một bài viết hơn nghìn từ, cả một video dài vài phút, cả một cuốn sách vài trăm trang mà bạn cũng nhận định vậy ư? Bạn quả là người biết tất cả!
Một vấn đề bao giờ cũng có 2 mặt và nhiều chiều. Nếu đó là nội dung tự tạo ra, bạn sẽ nhìn thấy nhiều góc nhìn chỉ với một chủ đề. Biết bao bộ phim cùng tên gọi nhưng được biên kịch lại dưới góc nhìn khác nhau? Biết bao nhiêu bản nhạc được mix lại cho hợp thời? Biết bao nhiêu cuốn sách đề cập tới cùng một nội dung? Rất nhiều, đúng chứ?
Với chủ đề mà bạn chưa hiểu hết nội dung, sẽ thật tuyệt để học lại lần 2, lần 3 với nhiều người truyền đạt khác nhau. Với chủ đề bạn đã hiểu rõ nội dung, sẽ thật thú vị để học hỏi góc nhìn khác nhau giữa những người khác nhau. Ví dụ khi học tiếng Anh, bạn sẽ phải nghe lại 1 audio nhiều lần. Lần 1, 2, 3 bạn sẽ nghe để hiểu nội dung. Lần 4, 5, 6 bạn sẽ nghe và tập trung vào cách phát âm, nhả âm, nuốt âm. Lần 7, 8, 9 bạn sẽ nghe và tập trung vào những từ mình chưa hiểu nghĩa.
Có như vậy bạn mới thực sự hiểu, và nhuần nhuyễn kỹ năng mình đang học.
Có như vậy bạn mới tạo ra được góc nhìn riêng cho mình.
Có như vậy bạn mới có thể thành công với những gì mình theo đuổi.
Chứ đừng để cái gì cũng biết mỗi tội chẳng làm được cái gì như 80% người tự nhận mình hiểu biết.
Hãy trở thành kẻ không nhận mình hiểu biết, bởi bạn nghĩ rằng mình vẫn còn chỗ trống để khỏa lấp bởi kiến thức và kinh nghiệm.

 ST