Vì sao giá bất động sản lại không giảm trong mùa dịch Covid-19?
.

Pages

Vì sao giá bất động sản lại không giảm trong mùa dịch Covid-19?

Giá không giảm trong mùa dịch
Trong quý 1 năm 2020, tổng sản phẩm nhà ở chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Lượng giao dịch là 7.641 sản phẩm với tỷ lệ hấp thụ đạt 14,3%. Đây là lượng giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua.
Thị trường bất động sản vẫn tồn tại các khó khăn khi các vướng mắc về mặt pháp lý trong việc phát triển các dự án bất động sản chưa được tháo gỡ, các địa phương vẫn thận trọng trong xét duyệt dự án. Nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường tiếp tục khan hiếm.
Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 càng siết cho vay vào lĩnh vực bất động sản, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...

Vì sao giá bất động sản lại không giảm trong mùa dịch Covid-19? - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Nguồn cung và lượng giao dịch bất động sản sụt giảm trong quý 1 năm 2020.
Nghỉ Tết Canh Tý kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, khiến hầu hết các hoạt động trên thị trường bất động sản không diễn ra. Các dự án đang triển khai bị đình đốn, chậm tiến độ.
Mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4 năm 2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Theo số liệu từ Google Trends, tại Việt Nam, trong tháng 2 và 3, lượng tìm kiếm với từ các khóa liên quan đến nhà ở như "bất động sản", "căn hộ chung cư", "dự án nhà ở" đều tăng. Với từ khóa "chung cư", thời điểm cuối tháng 3/2020, lượng tìm kiếm thậm chí còn vượt mốc cao nhất của năm 2019. Đây là điều rất bất ngờ, cho thấy mức độ quan tâm của người Việt Nam với vấn đề nhà ở vẫn rất lớn, bất chấp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Trong quý 2 thị trường còn khó khăn và giao dịch tiếp tục giảm
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam hiện đang ở mức cao, nhu cầu nhà ở cao. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua tại đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM các dự án bất động sản chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung.

Vì sao giá bất động sản lại không giảm trong mùa dịch Covid-19? - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số.
“Dù dịch Covid-19 nhưng giá không xuống do khan hàng nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì đây là nhu cầu ở thực. Người mua cũng có tâm lý nghe ngóng khi dịch bệnh nhưng nhu cầu nhà ở là thực. Thị trường bất động sản đang tồn tại một thực tế “vô lý” là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá không giảm. Điều này do nguồn cung thiếu” - ông Điệp nói.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao. Thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TPHCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
Một số chuyên gia tài chính bất động sản cho rằng, dịch Covid-19 có thể được xem là “bài kiểm tra” đối với nền kinh tế, môi trường sống và hệ thống y tế tại Việt Nam. Điều này sẽ có tác động lớn đến các quyết định đầu tư từ nước ngoài và đặc biệt là một lượng kiều hối lớn có thể đổ về sau khi dịch bệnh qua đi.