KỸ NĂNG CHẤP NHẬN VÀ HỌC HỎI TỪ PHÊ BÌNH
.

Pages

KỸ NĂNG CHẤP NHẬN VÀ HỌC HỎI TỪ PHÊ BÌNH

Mỗi khi bị ai đó phê bình, cảm giác đầu tiên của tôi là tức giận, sau đó chuyển sang bất mãn và không chịu hợp tác. Có lẽ tôi quá ưa nịnh rồi chăng? Tôi biết mình cần phải chấp nhận những lời phê bình và rút ra những bài học cho bản thân. Nhưng bản tính hiếu thắng và luôn nghĩ mình tài giỏi không cho phép tôi chấp nhận lời phê bình của người khác. Cho đến một ngày, thầy giáo nói với tôi rằng: " Kim cương còn có khuyết điểm nên người ta mới cắt nó thành nhiều mặt để ánh sáng khúc xạ lẫn nhau từ đó mới làm nên vẻ đẹp rực rõ của kim cương".



Câu nói của thầy khiến tôi hiểu ra rằng: con người ai cũng có điểm chưa hoàn thiện, thế nên phải tiếp nhận lời phê bình với thái độ tích cực để còn biết mình sai và sai như thế nào? Nếu chỉ biết nhìn nhận mình như một quả táo vàng không một vết xước thì khó để trở thành một người hoàn thiện được. Nhiều người trong chúng ta rất ghét những lời phê bình và góp ý của người khác. Họ thường nghĩ: cô ấy/anh ấy sao lại dám góp ý, phê bình mình chứ. Bởi tâm lý luôn cho mình là nhất khiến họ như con thú bị thương, lồng lộn khi ai đó chạm vào niềm kiêu hãnh của họ.

Nếu giữ mãi lối sống đó, khó có thể để bạn thay đổi và trưởng thành qua từng ngày. Ngày trước tôi cũng từng rất ghét những ai lên tiếng phê bình mình. Bởi vì tôi cũng luôn nghĩ rằng: mình giỏi nhất, mình không sai cái gì cả. Thế nên, dần dần nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, họ dần dần rời xa tôi khiến cho tôi tự hỏi: Tại sao lại như vậy. Đến khi bạn của tôi nhận xét: Quá kiêu ngạo, quá hãnh diện. Sai không chịu sửa còn lớn giọng dọa nạt người khác. Tôi mới chợt nhận ra, thì ra mình tệ thế kia à?


Thay đổi không bao giờ là muộn đâu bạn, phải biết mình còn yếu kém nhiều để hoàn thiện và lớn dần lên phải không bạn. Tôi đã tiếp nhận những lời phê bình với thái độ tích cực, chủ động không còn cảm thấy tức giận và tự ái như trước nữa. Bởi vì có muốn mình tốt hơn họ mới góp ý cho mình, còn không quan tâm không để ý có ai rỗi thời gian để góp ý với bạn. Thế nên, đừng bao giờ tỏ thái độ giận dỗi hay bực tức khi có ai đó nhận xét hay góp ý cho mình bạn nhé.

_ ST _