Làn sóng hàng Trung Quốc tràn
vào Việt Nam?
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF)
nhận định, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ tác
động xấu đến cầu thương mại chung của thế giới. Trong đó, các thị trường xuất
khẩu nhiều của Việt Nam bị ảnh hưởng và gián tiếp tác động đến kinh tế Việt
Nam.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh
tế xã hội quốc gia, khi không thể xuất hàng sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc nhất
là các loại hàng gia dụng sẽ tràn sang Việt Nam. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp
(DN) sản xuất trong nước của Việt Nam gặp khó khăn.
Cùng quanh điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học
viện Tài Chính cho rằng, sẽ có làn sóng hàng hoá Trung Quốc tràn vào Việt Nam,
cả con đường chính thức và tiểu ngạch. Với hàng hoá nhập khẩu chính thức, cơ
quan chức năng có thể kiểm tra nguồn gốc chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn
thực phẩm, yếu tố môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người. Đối với đường tiểu
ngạch, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc rất dài và việc quản lý từ
trước tới nay rất khó khăn.
“Hàng hoá Trung Quốc tràn vào nhiều, giá giảm, cạnh tranh gay
gắt. Một số DN của Việt Nam có thể không còn sức để cạnh tranh. Thậm chí DN trì
trệ, không bán được hàng sẽ phá sản”, ông Thịnh nhấn mạnh

Cơ hội cho DN Việt
Bên cạnh những thách thức, các chuyên gia kinh tế cũng cho
rằng, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại một số thuận lợi cho hàng
hoá của Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, khi hàng Trung Quốc không xuất sang sẽ tạo
ra lỗ hổng ở thị trường và là cơ hội của DN Việt Nam tham gia. Trong danh sách
các mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất
khẩu nằm trong danh sách này như thuỷ hải sản, đồ gỗ…
“Khi chúng tôi đi khảo sát, một số DN ở TPHCM cho biết, đơn
hàng từ Trung Quốc đặt sản xuất nhiều hơn trước kia và chủ yếu xuất khẩu sang
Mỹ. Các mặt hàng này chủ yếu gồm dây cáp điện, linh kiện điện tử…”, đại diện
NCIF cho biết.
Đại diện NICF cũng nhận định, khi xuất khẩu từ Mỹ sang Trung
Quốc bị chặn, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng sẽ khiến giá một số loại linh
kiện Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng giá. Ví dụ, Trung Quốc nhập phần mềm
để sản xuất linh kiện và xuất khẩu sang Việt Nam. Lúc này, DN điện tử Việt Nam
phải đối mặt thực trạng giá các loại linh kiện điện tử tăng.

Cẩn trọng với dòng vốn FDI từ
Trung Quốc
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc
đánh giá, Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Quốc trong dài hạn. Việc Tổng thống Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của
Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm theo biên độ rộng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như
Việt Nam.
“Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá đồng
NDT - USD sụt giảm sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Từ đó dẫn tới việc các
nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Điều này có tác động lớn đến kinh tế Việt
Nam khi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỷ
giá đồng Việt Nam - USD”, ông Thành nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định, chiến
tranh thương mại Trung - Mỹ có thể làm tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang Việt Nam. Số vốn FDI của Trung Quốc tại Việt Nam
liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức,
lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
“Nhiều nghiên cứu đã chứng minh FDI nói chung và FDI từ Trung
Quốc nói riêng, không mang lại lợi ích gì thực sự cho nền kinh tế và người dân
Việt Nam”, chuyên gia Bùi Trinh nhận định.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến cáo, xuất hiện xu thế
DN Trung Quốc chuyển sang các nước xung quanh sản xuất kinh doanh, tránh nguồn
gốc hàng hoá từ Trung Quốc. Trung Quốc áp dụng chính sách cấm ngành nghề tiềm
ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hiệu suất thấp, sử dụng nhiều nguyên liệu sẽ
khiến làn sóng đầu tư của những ngành nghề này vào Việt Nam.
“Nếu chúng ta không khôn khéo, kiên quyết lựa chọn nhà đầu tư
nước ngoài, Việt Nam sẽ trở thành nơi nhận công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm
môi trường lớn và chèn ép hàng hoá Việt Nam”, ông Thịnh khuyến cáo.
Xuất siêu thấp hơn so với 2018
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,8 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt
78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD,
tăng 10,4% so với năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư trong
4 tháng với mức xuất siêu ước tính đạt 711 triệu USD; thấp hơn nhiều so với
cùng kỳ năm 2018 (đạt 3,7 tỷ USD).
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu
lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ
năm trước. Sản phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ là điện thoại và linh kiện, giày dép
và hàng dệt may. Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất
của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm
trước.