Đã có 21 trường hợp F1, F2 được truy xuất dữ liệu từ F0 cài Bluezone
.

Pages

Đã có 21 trường hợp F1, F2 được truy xuất dữ liệu từ F0 cài Bluezone

 

Đã có 21 trường hợp F1, F2 được truy xuất dữ liệu từ F0 cài Bluezone

LĐO: Đến ngày 10.8, Bluezone - Ứng dụng khẩu trang điện tử, phát hiện trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 đã đạt gần 15 triệu lượt tải. Theo tính toán của Bộ Thông tin & Truyền thông, để phát huy hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh, ứng dụng này cần phải được sử dụng ở mức 60% dân số trưởng thành, tương đương khoảng 40 triệu lượt tải. 


Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Lê Thu Hiền - Chánh văn phòng Cục tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến ngày 10.8, ứng dụng Bluezone đã đạt khoảng 14,6 triệu lượt tải. 

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có thêm 2,5 triệu cài đặt mới ứng dụng này. Các tỉnh có lượt cài đặt cao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội và Quảng Ninh. 

"Đã có 21 trường hợp F1, F2 được truy xuất từ F0 Bluezone. Lượng cài đặt tăng liên tục từng ngày nên hy vọng trong thời gian tới, số lượng truy xuất được từ Bluezone sẽ nhiều hơn.

Để đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh, cần khoảng 60% dân số trưởng thành sử dụng, tức khoảng 40 triệu lượt cài. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực tuyền truyền, vận động để sớm đạt được con số này" - bà Lê Thu Hiền thông tin. 

Liên quan đến những tranh cãi có hay không việc "bắt buộc" sử dụng Bluezone, đại diện Cục tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: 

"Hiện tại chưa có quy định nào là ép mọi người phải cài. Ứng dụng này hoàn toàn là để truy vết và cảnh báo xem bạn đã tiếp xúc với người nhiễm hay chưa. Trước hết là để bảo vệ chính bản thân mỗi người, sau đó, nếu đạt được lượng tải lớn, sẽ giúp ích cho việc bảo vệ và ngăn ngừa dịch bệnh lan ra cộng đồng.

Có người bảo bây giờ tôi cài mà người xung quanh không cài thì tác dụng gì. Nếu ai cũng nghĩ vậy thì sẽ không bao giờ đạt được lượng cài đặt như mong muốn để bảo vệ cả. Đây hoàn toàn là trách nhiệm của công dân, cảm thấy đúng đắn thì nên làm theo để bảo vệ bản thân và cộng đồng". 

Ngoài ra, một số ý kiến cũng lo ngại việc thông tin cá nhân bị ảnh hưởng khi cài đặt một ứng dụng mang tính "truy vết". Về vấn đề này, theo ông Trần Việt Hải - thành viên nhóm phát triển dự án Bluezone cho biết, ứng dụng hoạt động theo mô hình phân tán, dữ liệu hoàn toàn nằm trên máy người dùng. Đội ngũ phát triển và vận hành Bluezone không thu thập dữ liệu cá nhân. Việc lưu trữ hay xoá dữ liệu là do người dùng tự quyết định.

Đồng thời, theo Bộ Thông tin & Truyền thông, công nghệ giám sát tiếp xúc gần bằng Bluetooth có độ chính xác khoảng 2 mét và không xâm phạm tới quyền riêng tư của mọi người. Việc ghi nhận diễn ra hoàn toàn tự động, luôn đảm bảo tính riêng tư vì mã số truyền giữa các điện thoại thay đổi liên tục, không định danh.


Trước đó, để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch COVID - 19, cơ quan chức năng đã kêu gọi người dân tận dụng tiện ích từ các giải pháp công nghệ. Trong đó, người dân được khuyến khích sử dụng ứng dụng Bluezone.

Đây là ứng dụng sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp nhằm phát hiện những người tiếp xúc gần với người nhiễm qua smartphone một cách nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém.

Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách 2 mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần, tiếp xúc vào lúc nào và trong bao lâu nhằm giúp người dùng biết được và kiểm soát các tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 (F0).

Mọi thông tin về vị trí các trường hợp F0 sẽ được cơ quan y tế có thẩm quyền cập nhật liên tục đối với cộng đồng Bluezone.

Ứng dụng cũng sẽ ghi nhận với những trường hợp tiếp xúc với F0, đưa ra cảnh báo nguy cơ bị lây nhiễm và tư vấn những cơ sở y tế gần nhất để mọi người có thể liên hệ.

LONG NGUYỄN