8 câu hỏi để xác định năng lực lãnh đạo của bạn
.

Pages

8 câu hỏi để xác định năng lực lãnh đạo của bạn

Làm theo người khác thì dễ dàng lắm, bạn chỉ cần làm theo những gì cấp trên bảo và không cần quan tâm gì. Nhưng làm lãnh đạo thì lại là một vấn đề khác, bạn cần phải suy nghĩ thật thoáng để có thể giải quyết các rắc rối. Một vài người đã mang sẵn tố chất lãnh đạo từ khi lọt lòng, họ chẳng bao giờ hài lòng với việc “vừa đủ tốt”, và luôn muốn cải thiện bản thân cũng như mọi người xung quanh. Và những câu hỏi sau sẽ giúp bạn xác định khả năng lãnh đạo của mình đến đâu. 



1. Bạn có bao giờ thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn?

Như tôi đã nói, những người bình thường luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được, cũng như chỉ làm theo những gì được phân công. Ngược lại, những nhà lãnh đạo lại luôn cố gắng rèn luyện bản thân, đưa khả năng của mình lên một mức mới. Một nhà lãnh đạo tài giỏi không chỉ giúp tổ chức của mình thành công, mà còn giúp nó vượt trội hơn tất cả.

2. Bạn có phải là người lạc quan?

Henry Ford đã từng nói “Khi bạn nghĩ rằng mình có thể hay không thể, thì dù bạn nghĩ thế nào, bạn cũng đều đúng.” Điều này không đồng nghĩa rằng những người thường là người bi quan đâu nhé, chỉ là họ không lạc quan như các nhà lãnh đạo thôi. Những người an phận thường chỉ dừng ở mức “vừa đủ” vì họ không chắc rằng liệu mình có thể làm tốt hơn thế không. Những người lãnh đạo luôn tin rằng mình có thể làm tốt hơn nữa, họ biết cách thúc đẩy bản thân cũng như người xung quanh. Một lãnh đạo giỏi không chỉ đơn thuần là leo lên đỉnh cao, mà họ còn biết cách kéo những người khác theo cùng mình.

3. Bạn có sẵn sàng để thay đổi?

Những người an phận thường không dễ thay đổi, như cách tôi gọi họ, họ chỉ an phận với những gì “diễn ra như bình thường”. Còn những người lãnh đạo lại cảm thấy rất thoải mái với việc đó. Họ thức thời, họ biết điều gì là cần thiết, dù cho điều đó nghe có điên rồ đến đâu, và họ cũng không ngại chấp nhận nó. Như huyền thoại nhạc đồng quê Jimmy Dean “Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi biết cách chỉnh buồm để có thể đến đích.”

4. Bạn có quyết đoán không?
Trong khi những người khác còn đang lưỡng lự trước các vấn đề, thì những nhà lãnh đạo lại chẳng gặp khó khăn gì để đưa ra quyết định. Họ biết rằng dù họ có làm gì thì cũng sẽ có 2 mặt lợi và hại, nhưng điều đó chẳng ngăn được họ, vì họ tin rằng mình sẽ khắc phục được mặt hại ấy.

5. Bạn có sẵn sàng nhận trách nhiệm?

Nguyên nhân chủ yếu khiến những người an phận thiếu quyết đoán là do họ sợ bị quở trách nếu có sai sót. Còn những nhà lãnh đạo lại không sợ, cũng như họ sẽ không đổ trách nhiệm lên người khác. Nếu có sai sót thì với họ cũng không sao, vì họ biết thất bại là mẹ thành công. Khi họ biết mình sai, họ sẽ tránh lập lại điều đó trong khi những người không biết nhận trách nhiệm sẽ tiếp tục bước đi sai lầm.

6. Bạn có niềm đam mê không?

Những người an phận thường chỉ như hành khách, họ chỉ tiện đường đi cùng xe, chứ không hề bận tâm gì. Còn những nhà lãnh đạo lại luôn cháy bỏng với đam mê khát khao, họ luôn hoàn thành công việc dù là nhỏ nhất, một cách cẩn trọng. Họ yêu thích và luôn tự hào vì thành quả của mình, vì họ biết mình đã bỏ bao nhiêu công sức vào việc đó.

7. Bạn có quyết tâm theo đuổi ước mơ?

Bob Dylan từng nói “Tiền là gì? Một người được xem là thành đạt nếu có thể thức dậy vào buổi sáng và làm bất cứ thứ gì muốn làm trước khi lên giường ngủ vào buổi đêm.” Nhiều người sẽ chống chế “Ông ta thì dễ rồi, là triệu phú mà, nói gì chẳng được.” Nhưng Bob không sinh ra là triệu phú, ông chỉ trở thành triệu phú nhờ vào làm những điều ông thích, và đương nhiên là ông làm bằng tất cả tâm huyết. Những nhà lãnh đạo không chạy theo đồng tiền, họ theo đuổi đam mê, và những gì sau đó chỉ là phần thưởng cho việc họ làm. Và thực tế cho thấy, những người thành đạt không chạy theo tiền, mà là ngược lại, tiền phải chạy theo họ.

8. Bạn có ham muốn học hỏi?

Một sự thật đáng buồn là nhiều người tốt nghiệp với một suy nghĩ rằng họ sẽ không cần phải động đến một cuốn sách nào nữa. Và những nhà lãnh đạo đương nhiên chính là sự khác biệt. Họ biết rằng sự học là mãi mãi, với họ, một ngày không học tập thêm được gì thì chỉ là lãng phí. Những người an phận thường tin rằng mình chỉ cần biết đủ để sống thôi, còn nhà lãnh đạo thì tin chắc rằng kiến thức không bao giờ là thừa. Và chính sự ham muốn ấy luôn thôi thúc trong họ một sự bền chí, luôn cố gắng không ngừng.